PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ

Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ catgut vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu, còn gọi tên là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ.

PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ

ThS.BS.Lê Minh Luật [i]

1. Tình hình nghiên cứu ứng dụng cấy chỉ

1.1. Tại Việt Nam

Từ những năm 1960, Việt Nam bắt đầu áp dụng phương pháp cấy chỉ. Các cơ sở đã áp dụng phương pháp này là Viện quân y 103, Viện quân y 108, Viện quân y 91 (quân khu 1), Bệnh viện y học dân tộc Hà Nội và một số cơ sở điều trị khác: Một số cơ sở chữa bệnh đã dựng phương pháp thắt buộc chỉ catgut ( thắt hình số 8, hình chữ K, thắt vòng tròn trong phẫu thuật và tiểu phẫu) để điều trị bệnh nhằm mục đích tăng sư phát triển của các tổ chức cơ, gây tác dụng ức chế với trương lực cơ giãn và kích thích sự phục hồi của thần kinh ngoại vi.

Năm 1960 Việt Nam đã dựng kim cong khâu da đưa chỉ catgut vào huyệt để điều trị bệnh hen phế quản, loét hành tá tràng, đau vùng lưng hông và các chứng liệt vận động. Sau đó  kim chọc dò tuỷ sống (troca) đã được sử dụng để đưa chỉ vào huyệt theo phương thẳng đứng hay xiên mà các phương pháp chôn chỉ bằng kim cong không khắc phục được. Các phương pháp này đều được gây tê trước huyệt vị bằng Nôvôcain hay lidocain 1-2% và đều phải thực hiện trong bệnh viện như một ca tiểu phẫu thuật. Phương pháp này chỉ  điều trị giới hạn được một số mặt bệnh nhất định, những trường hợp bệnh nặng, sức khoẻ quá  yếu, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì không thực hiện được. Đôi khi xảy ra sưng, viêm, xuất huyết tại vùng cấy chỉ và còn gây đau nhiều

Năm 1975 GS.Nguyễn Tài Thu, người có công rất lớn trong nghiên cứu và áp dụng điều trị có kết quả một số mặt bệnh đặc biệt là hen phế quản bằng phương pháp cấy chỉ. Từ năm 1982, Viện Châm cứu Trung ương đứng đầu là giáo sư Nguyễn Tài Thu đã thực hiện cấy chỉ điều trị cho hàng loạt bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, điển hình là trẻ em bị bại liệt.

Năm 1988 – 1989 quân y tổng cục chính trị cấy chỉ cho các thể bệnh như hen phế quản, đau nhức xương khớp, liệt…đã đạt được kết quả nhất định.

Năm 1990, BS Lê Thuý Oanh, đã từng học tập và công tác tại viện châm cứu, ứng dụng cấy chỉ rộng rãi ở Hội điều trị bằng các phương pháp Tự nhiên Hungary, Viện Châm cứu và phục hồi chức năng Yamamoto Budapest, Viện Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng trẻ em Debrecen Hungary, một số cơ sở điều trị ở Paris Cộng hũa Phỏp, Dỹsseldorf, Hamburg Cộng hoà Liên bang Đức.

Hơn 30 mươi năm qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã thực hiện cấy chỉ cho nhiều thể loại bệnh khác nhau thu được kết quả đáng khích lệ, phương pháp cấy chỉ đã dần khẳng định giá trị đích thực của nó, đây là một phương pháp điều trị đặc biệt của châm cứu, một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

Hiện nay, dưới sự dìu dắt của Phó giáo sư, Tiến sỹ Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng  phương pháp cấy chỉ trong điều trị kết hợp với y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

1.2. Ứng dụng cấy chỉ trên thế giới

Châm cứu là cách chữa bệnh cổ truyền của phương Đông Trung quốc, Việt Nam và một số nước phương đông. Ngày nay, kỹ thuật này không còn xa lạ với các nước trên thế giới như châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Việc dùng chỉ catgut cấy vào huyệt đạo được coi là một phương pháp đặc biệt của châm cứu và có thể điều trị được một số bệnh nhất định.

Năm 1960 Trung Quốc đã cấy chỉ điều trị các bệnh Parkinson, nhức đầu do co thắt mạch máu, đau thắt ngực, hội chứng tiền kinh nguyệt…

Từ năm 1990 đến nay tại Viện Châm cứu và phục hồi chức năng Yamamoto Budapest, Hunggary, Viện nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ em Debrecen Hunggari, một số cơ sở điều trị ở Paris cộng hoà Pháp, Cộng hoà liên ban đức Dusseldorf, Hamburg,  đã áp dụng cấy chỉ điều trị cho khoảng 15.000 bệnh nhân với các mặt bệnh khác nhau đạt kết quả rất tốt.

Lohiya, Ấn độ cũng đã áp dụng cấy chỉ điều trị một số bệnh nhất định.

 

2. Phương  pháp cấy chỉ vào huyệt

2.1. Khái niệm  về cấy chỉ :

Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ catgut vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu, còn gọi tên là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ.

2.2. Cơ chế của cấy chỉ:

- Chỉ catgut là chỉ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, bản chất là một Protit tự tiêu trong vòng 20- 25 ngày, khi đưa vào cơ thể (cấy vài lần mỗi lần cách nhau>20 ngày),  như  một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể bao vây không đặc hiệu làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch và vì vậy mà không xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

- Chỉ catgut được cấy vào huyệt vị tác dụng với tính chất vật lý, tạo ra một kích thích cơ học như châm cứu nên có cơ chế tác dụng như cơ chế tác dụng của châm cứu.Tuy nhiên cách giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu hiện nay chưa thống nhất, cách giải thích được nhiều người công nhận nhất là giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch (YHHĐ) và học thuyết kinh lạc (YHCT).

+ Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch.

Châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. (theo volganic và kassin Liên Xô cũ có tác dụng tại chỗ, tác dụng tiết đoạn và tác dụng toàn thân)

+ Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết YHCT: Khi có bệnh tức là mất cân bằng Âm - Dương, rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc. Châm cứu có tác dụng điều hòa Âm - Dương và điều hòa cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.

2.3. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

+ Các bệnh nhân có bệnh mạn tính sau liệu trình điều trị bằng châm cứu, ra viện chờ liệu trình điều trị tiếp theo

+ Các bệnh nhân có bệnh mạn tính không có điều kiện đi châm cứu thường xuyên.

Chống chỉ định:

+ Người bệnh đang sốt cao.

+ Tăng huyết áp kịch phát

+ Phụ nữ có thai

+ Những bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu

+ Những bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.

Những mặt bệnh thường điều trị tại bệnh viện châm cứu

Các bệnh dị ứng (Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang di ứng)

    + Các chứng liệt

    + Các chứng đau

    + Bệnh ngũ quan

2.4.Phương tiện thực hiện

Trang bị một phòng châm cứu vô trùng với các phương tiện như sau:

- Khay để đụng cụ, bồn hạt đậu, Panh Kocher không mấu, kéo vô trùng để cắt chỉ, toan có lỗ, bông, gạc vô trùng

- Chỉ catgut Plain (catgut norman) số 2 hoặc số 3 thích hợp với loại kim tương ứng.

- Hộp inox vô khuẩn để đựng chỉ đã cắt đoạn ngắn theo kích thước cần thiết, thông thường từ 0,5-1,5Cm

- Kim có thông nòng số 22 đến 24. Thông thường dùng kim số 23.

- Hoặc kim có chỉ sẵn Yastrid (Hàng dùng các nước Âu Mỹ) Bio Meyisun (Hàn Quốc) kích cỡ khác nhau tùy vùng bệnh và kỹ thuật châm. Loại kim Yastrid nhỏ và mềm dẻo rất dễ dùng và giá cũng mềm hơn các loại khác.

- Hộp đựng bông cồn

- Cồn iod 1%, 5%

- Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

- Găng tay vô trùng số 7, 8.

- Giường y tế, bàn làm việc để dụng cụ

2.5.Chuẩn bị công thức huyệt

Thầy thuốc châm cứu khám bệnh và chẩn đoán xác định tình trạng bệnh lý, đưa ra pháp trị và chọn công thức huyệt phù hợp.

Chọn huyệt: Dựa vào học thuyết Âm- Dương Ngũ hành và học thuyết  kinh lạc, tạng tượng chọn một số huyệt vị

Ví dụ: Chọn huyệt điều trị Viêm mũi dị ứng có công thức sau:

Nghinh hương             Tỵ thông   Phế du                                    

Cao hoang du              Hợp cốc                        Túc tam lý

- Liệu trình: Khoảng >15 ngày cấy lại mỗi đợt cấy khoảng 3- 6 lần tuỳ mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

- Viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi các triệu chứng "tỵ cừu", "tỵ trất" phát sinh do 2 nguyên nhân: công năng tạng phủ (chủ yếu là tỳ, phế, thận) rối loạn, bị phong hàn, tà khí xâm nhập. Hai yếu tố này có thể phối hợp với nhau, khiến phế khí hư nhược, sức đề kháng giảm  sút, dễ sinh bệnh.YHCT gọi là "tỵ lậu" hoặc "não lậu".

Chúng tôi cấy chỉ lần 1, lần 2 và trên lần 3 mỗi lần cách nhau >15 ngày.Qua nghiên cứu cho ta thấy hầu hết các bệnh nhân đến cấy chỉ ở mức độ bệnh trung bình và nặng hoặc bệnh dai dẳng, rất ít trường hợp bệnh nhẹ vỡ thụng thường người bệnh ít quan tâm thực sự đến sức khỏe, người bệnh ngại đi khám, chỉ khi bệnh nặng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, ảnh hưởng tới công việc họ mới đến viện khám và điều trị.Qua 2 lần các bệnh nhân viêm mũi mức độ nhẹ, viêm mũi gián đoạn khỏi 100% .Không có trường hợp nào phải cấy đến lần thứ 3.Những bệnh nhân mắc bệnh mức độ nặng và mức độ dai dẳng, khỏi, đỡ đạt 80%(mức độ bệnh) và 84,9%(bệnh viêm mũi dai dẳng) chỉ có(20% và 15,1%) trường hợp phải cấy đến lần thứ 3.Vì chúng tôi không làm nghiên cứu tiếp các lần cấy chỉ sau nên còn 20%(bệnh mức độ nặng) và 15,1%(bệnh viêm mũi dai dẳng) chưa đánh giá được kết quả.

3. Thực hành cấy chỉ:

3.1. Tập cấy chỉ:

Thầy thuốc trước khi muốn thực hiện kỹ thuật cấy chỉ phải thành thạo về kỹ thuật châm cứu thể châm để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân.

Đưa chỉ vào kim: Tay trái cầm chắc đế kim số 23 bằng 3 ngón cái, trỏ và giữa; tay phải dùng panh không mấu gắp đoạn chỉ cat-gut đã cắt sẵn đưa vào đầu kim và đẩy sâu vào thân kim. Đặt thông nòng vào lòng kim số 23 vừa chạm vào đầu đoạn chỉ trong kim.

Tập cấy chỉ vào huyệt: cầm kim tay thuận bằng 3 ngón cái trỏ giữa, không cầm đụng vào thân kim. Ấn kim vào huyệt đến độ sâu cần thiết, vừa rút kim số 23 lên vừa đẩy thông nòng xuống để giữ đoạn chỉ tại trong vùng huyệt. Có thể tập trên gối nhiều lần cho thành thạo thao tác, tránh không để khi rút ra chỉ cũng ra theo.

3.2. Làm cấy chỉ:

Chuẩn bị phòng ốc và dụng cụ cấy chỉ theo đúng hướng dẫn ở trên đây.

Chuẩn bị bệnh nhân: Giải thích cho bệnh nhân biết về phương pháp cấy chỉ, những điểm khác và ưu điểm so với châm thường. Bệnh nhân trước khi cấy chỉ cần phải vệ sinh sạch sẽ.

Dặn dò bệnh nhân sau khi cấy chỉ: Giải thích về cảm giác căng tức sau khi cấy chỉ kéo dài 1-3 ngày. Sau khi cấy chỉ trong vòng 3 ngày cần vận động nhẹ nhàng, tránh vận động làm việc nặng nhọc, khi vệ sinh cá nhân qua các vùng cấy chỉ cần nhẹ nhàng để không gây ảnh hưởng hoặc nhiễm trùng vùng cấy chỉ. Sau 3 ngày thì sinh hoạt về bình thường.

Thực hiện cấy chỉ theo công thức huyệt đã chọn, theo kỹ thuật cấy chỉ vào vùng huyệt đã tập luyện như trên một cách nhuần nhuyễn.

Liệu trình điều trị phù hợp theo thời gian tiêu của chỉ và mức độ tình trạng bệnh của bệnh nhân, thông thường mỗi lần cấy chỉ kéo dài hiệu quả 1-2 tuần. Bệnh nhân cần mức độ tác dụng mạnh hơn có thể cấy lại sớm hơn nhưng không nên quá 2 lần 1 tuần, và 2 lần cách nhau ít nhất 4 ngày.

3.3. Chú ý các thao tác cơ bản:

- Kỹ thuật bổ tả trong cấy chỉ: Bổ tả theo nguyên tắc chung của kỹ thuật thể châm. Chủ yếu bổ tả trong cấy chỉ theo hướng kim.

- Châm kim dài 5-7cm vào vùng huyệt: Tương tự kỹ thuật châm kim luồn, tay vô khuẩn hoặc cầm bông vô khuẩn cầm trên thân kim và châm như thông thường đưa kim vào vùng huyệt, vừa đẩy thông nòng vừa rút kim ngoài ra. Lưu ý độ sâu của châm phải qua hết độ dài của đoạn chỉ cần cấy.

- Rút kim cần nhanh dứt khoát và đè bông chặt để cầm máu không chảy ra ngoài.

- Cấy chỉ gây hao khí nhiều hơn so với châm kim thường, do đó cần thận trọng đối với những bệnh nhân gầy yếu, bệnh suy nhược, già ốm, bệnh lâu ngày chính khí suy yếu.

3.4. Xử trí tai biến khi cấy chỉ:

Các tai biến của cấy chỉ cũng tương tự như châm kim thường: Vựng châm, châm trúng dây thần kinh, châm trúng mạch máu, cong kim, kim vít chặt khó rút ra. Thầy thuốc tham khảo sách châm cứu cơ bản để ôn lại phòng ngừa và xử trí tai biến do châm.

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Lê Thúy Oanh (2010). Cấy chỉ. Nhà xuất bản y học, Hà Nội.

2.      Vũ Thái Bình. Giới thiệu phương pháp cấy chỉ. Bệnh viện châm cứu trung ương.



[i] Bác sỹ Đông Tây y kết hợp. Giảng viên Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh – Nghiên cứu sinh Đông y Châm cứu tại Đại học Trung Y Dược Cam Túc, Trung Hoa.

+ Liên hệ tư vấn sức khỏe và khám chữa bệnh: 0938650104 (Zalo, Messenger). Khám sức khỏe tổng quát bằng phương pháp Đông y. Quý vị sẽ được trải nghiệm thú vị về phương pháp tự thực hành và theo dõi sức khỏe tốt. Nhận hướng dẫn và nghiên cứu ứng dụng Đông y - Châm cứu.